DÂNG HIẾN NHƯ THẾ NÀO

DÂNG HIẾN NHƯ THẾ NÀO

Vấn đề trích ra một phần mười từ nguồn thu nhập để dâng vào ngân quỹ của Hội Thánh hay còn gọi là dâng hiến cho công việc Chúa đã được giảng dạy trong các Hội Thánh của mọi hệ phái Tin Lành từ nhiều thập niên qua; hầu hết các tín hữu đều biết rõ quy định về dâng một phần mười bắt nguồn từ Luật pháp của Môi-se trong Cựu Ước. Chính điều nầy gợi một lên nghi vấn: Liệu mệnh lệnh của Đức Chúa Trời về sự dâng một phần mười được chỉ định cho dân Y-sơ-ra-ên có thích hợp để đem áp dụng cho tín hữu ngày nay, là những người không còn ở dưới Giao ước cũ nhưng ở dưới Giao ước mới hay không?

Chúng ta hãy tìm hiểu sự dạy dỗ của Thánh Kinh về vấn đề dâng phần mười qua các giai đoạn lịch sử như sau:

  1. Trước khi có Luật Pháp.
  2. Trong thời đại Luật Pháp.
  3. Trong thời Chúa Jesus.
  4. Trong thời đại Ân Điển.
  5. Sự dâng phần mười trước khi có Luật Pháp:

Trước khi việc dâng phần mười chính thức trở thành điều luật do Đức Chúa Thời ban hành tại núi Si-nai, Thánh Kinh có ghi lại hai câu chuyện có liên quan đến sự dâng phần mười:

1.1 Áp-ra-ham dâng phần mười cho vua Mên-chi-xê-đéc:

“Sau khi Áp-ram chiến thắng Kết-rô-lao-me và các vua đồng minh trở về, vua Sô-đôm ra đón rước ông tại thung lũng Sa-ve, tức là thung lũng vua. Mên-chi-xê-đéc, vua Sa- lem, cũng là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao, đem bánh và rượu ra đón, và chúc phước cho Áp-ram. Ông nói: Nguyện Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng dựng nên trời và đất, ban phước cho Áp-ram! Chúc tụng Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng đã trao kẻ thù vào tay ngươi! Áp-ram dâng cho vua một phần mười chiến lợi phẩm.”  (Sáng Thế Ký 14:17-20)

Đây là lần đầu tiên, Kinh Thánh nói về dâng phần mười (tenth). Nếu như ngày nay, có những người cho rằng Cơ-đốc nhân không cần phải tuân giữ luật pháp Môi-se, trong đó có việc dâng phần mười, thì ngược lại cũng có rất nhiều người đang giữ công tác giảng dạy Lời Chúa, dùng câu chuyện Áp-ra-ham dâng phần mười để củng cố cho quan điểm Cơ-đốc nhân hôm nay phải dâng một phần mười, vì Áp-ra-ham đã dâng phần mười trước khi luật pháp Môi-se được ban hành! Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc kỹ câu chuyện Áp-ra-ham, chúng ta sẽ thấy những yếu tố sau đây:

* Trước đó, Áp-ra-ham không nhận được một sự truyền dạy nào từ Đức Chúa Trời về việc dâng phần mười, hành động dâng hiến của ông phát xuất từ tấm lòng, do sự tự nguyện hoàn toàn, do ông tự quyết định như vậy.

* Nếu đọc từ câu 12 của đoạn 14, sẽ thấy nguồn gốc của các món tài vật mà Áp-ra-ham dâng cho Mên-chi-xê-đéc: Người cháu của Áp-ra-ham, là Lót, bị Kết–rô-lao-me và các vua đồng minh bắt giữ cùng tất cả tài sản. Áp-ra-ham cùng với 318 gia nhân đánh thắng các vua đồng minh, giải cứu Lót, lấy lại tài sản cho Lót và cũng chiếm được các tài vật của các vua kia. Sau đó, Áp-ra-ham dâng cho Mên-chi-xê-đéc một phần mười những tài vật ông chiếm được của kẻ thù, gọi là chiến lợi phẩm (spoils). Xin chú ý, Áp-ra-ham không dâng phần mười tài sản của riêng ông mặc dù ông rất giàu có, ông dâng phần mười về chiến lợi phẩm (xin đọc Hê-bơrơ 7:4).

* Áp-ra-ham dâng một phần mười cho vua Mên-chi-xê-đéc chỉ duy nhất một lần nầy mà thôi, sao đó chúng ta không hề thấy ông gặp lại Mên-chi-xê-đéc, không thấy ông dâng lần nào nữa và cũng không thấy Đức Chúa Trời phán dạy gì về việc dâng phần mười.

* Việc Áp-ra-ham dâng phần mười các tài vật lấy được của kẻ thù trong cuộc chiến khác hẳn với việc dâng phần mười trong luật pháp Môi-se, là bao gồm thổ sản, trái cây, gia súc do chính người dâng hiến làm ra.

* Trước khi dâng một phần mười, Áp-ra-ham đã vốn rất giàu có về của cải: súc vật, vàng và bạc; Sáng Thế Ký 13:2 cho chúng ta biết “Vả Áp-ram rất giàu có súc vật, vàng và bạc”. Không phải vì sau khi ông dâng phần mười mà Đức Chúa Trời cho ông giàu có. Điều nầy khác hẳn với sự giảng dạy của một số người lãnh đạo Hội Thánh ngày nay, dùng câu chuyện Áp-ra-ham dâng phần mười để giảng dạy rằng “dâng một phần mười rồi Chúa sẽ ban cho dư dật” như Áp-ra-ham vậy!

Như vậy, chúng ta không thể dùng câu chuyện của Áp-ra-ham dâng phần mười để áp dụng cho Hội Thánh ngày nay.

1.2 Gia-cốp hứa nguyện dâng phần mười:

Trong Sáng Thế Ký 28:10-22, chúng ta đọc được câu chuyện của Gia-cốp: Trên đường đi từ Ca-na-an đến Cha-ran, Gia-cốp nằm ngủ, chiêm bao thấy một cái cầu thang nối dài từ đất lên đến trời, có thiên sứ của Chúa đi lên đi xuống; có tiếng phán của Đức Giê-hô-va từ trên đầu cầu thang, lời phán bao gồm những lời hứa cho ông: Dòng dõi ông sẽ đông đúc; dòng dõi ông sẽ nhận được vùng đất Ca-na-an làm cơ nghiệp; Chúa sẽ ở với ông trong lúc ra đi và sẽ đem ông trở về lại Ca-na-an. Gia-cốp thức dậy, và cầu khẩn Đức Chúa Trời:

“Nếu Đức Chúa Trời ở cùng tôi, gìn giữ tôi trong lúc đi đường, cho bánh ăn, áo mặc, và nếu tôi trở về bình an đến nhà cha tôi, thì Đức Giê-hô-va sẽ là Đức Chúa Trời tôi. Hòn đá đã dựng làm trụ đây sẽ là đền Đức Chúa Trời, và tôi sẽ nộp lại cho Ngài một phần mười mọi của cải mà Ngài sẽ cho tôi.”  (Sáng Thế Ký 28:20-22)

Chúng ta ghi nhận vài điều sau đây về sự hứa nguyện dâng phần mười của Gia-cốp:

* Tương tự như trường hợp của Áp-ra-ham, Gia-cốp dâng phần mười một cách tự nguyện, không có một mệnh lệnh trực tiếp nào từ Đức Chúa Trời. Chúng ta khẳng định như vậy là vì Gia-cốp đặt “điều kiện” với Chúa: Nếu Chúa gìn giữ ông trong khi xa nhà, ban cho lương thực, dẫn ông trở về lại bình an, thì ông sẽ dâng phần mười. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời của ông, ông kinh nghiệm về Đức Chúa Trời qua giấc chiêm bao.

* Theo như lời ông hứa nguyện, sau khi trở về nhà bình an, ông sẽ dâng phần mười. Chúng ta biết rằng Gia-cốp ở trong nhà La-ban 20 năm (Sáng Thế Ký 31:41), sau 20 năm, ông và vợ con trở về Ca-na-an. Như thế, trong vòng 20 năm, Gia-cốp không dâng một phần mười!

* Một vấn đề đặt ra ở đây: Sau 20 năm kể từ khi hứa nguyện dâng một phần mười, giả định rằng Gia-cốp bắt đầu thực hiện lời hứa, thì Gia-cốp dâng phần mười cho ai? Ai là người nhận lãnh của dâng của Gia-cốp? Kinh Thánh không nói gì đến điều nầy, mà chúng ta biết rằng phải đến gần 500 năm sau, Đức Chúa Trời mới ban hành Luật Pháp tại núi Si-nai, trong đó có luật dâng phần mười.

Chúng ta thấy trước khi có luật pháp về sự dâng phần mười, Kinh Thánh chỉ ghi lại hai trường hợp có liên quan: Áp-ra-ham và Gia-cốp. Không thể dùng hai câu chuyện trên đây làm nền tảng cho sự giảng dạy rằng Cơ-đốc nhân ngày nay bị buộc phải dâng phần mười.

  1. Sự dâng phần mười (tithing)trong thời Luật Pháp:

Đức Chúa Trời chọn dân tộc Y-sơ-ra-ên làm dân thánh, Ngài ban xứ Ca-na-an làm một quốc gia cho họ. Một dân tộc thánh và là một quốc gia thầy tế lễ (Xuất Ai-cập Ký 19:6) thì cần phải có Luật Pháp, cho nên trước khi đem họ vào xứ Ca-na-an, Đức Chúa Trời ban cho họ luậtpháp tại núi Si-nai. Một trong số những điều luậtlà luật về dâng phần mười. Chúng ta hãy khảo sát các điều luật về dâng phần mười sau đây:

2.1 Các loại tài vật dùng cho sự dâng phần mười:

“Tất cả một phần mười thổ sản, từ ngũ cốc ngoài đồng đến hoa quả của cây cối đều thuộc về Đức Giê-hô-va; đó là vật thánh dâng lên Đức Giê-hô-va. Còn về một phần mười của đàn bò hay chiên, tức là con thứ mười đi qua dưới cây gậy của người chăn, đều là vật thánh dâng lên Đức Giê-hô-va.”  (Lê-vi Ký 27:30,32)

Chúng ta thấy có 3 loại tài vật mà người Y-sơ-ra-ên phải dâng lên cho Đức Chúa Trời là thổ sản (gồm các thứ ngũ cốc), các loại trái cây (nho, vả), và súc vật (bò, chiên). Xin chú ý: đó là thổ sản, hoa quả và súc vật chứ không phải là vàng bạc, đồ trang sức… mặc dù họ có sở hữu những món đồ nầy (Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:25).

Ngày hôm nay, có người lý luận rằng: Vì hoàn cảnh thời nay khác với thời xưa, nghĩa là thời đó chưa có tiền nên dân Y-sơ-ra-ên phải dâng bằng hoa màu hay súc vật thay cho tiền; còn chúng ta ngày nay phải dâng phần mười bằng tiền bạc. Lý luận nầy rất khó chấp nhận được vì lý do sau:

* Việc trao đổi bằng tiền tệ đã có từ trước đó rất lâu: Giô-sép bị bán với giá 20 miếng bạc (Sáng Thế Ký 37:28); Áp-ra-ham mua của dân Hếch cánh đồng có hang đá Mặc- bê-la với giá 400 siếc-lơ bạc để an táng Sa-ra (Sáng Thế Ký 23:16).

* Luật pháp Môi-se quy định về dâng phần mười rõ rằng: Nếu người dân ở cách xa địa điểm Chúa chọn để nộp phần mười, thì họ phải đổi tài vật đó ra  bạc, rồi mang bạc đến nơi quy định, rồi phải đổi bạc ấy lấy những vật khác theo đúng luật lệ (Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:22-27)

2.2  Ai được quyền thu nhận một phần mười:

* “Còn về phần con cháu Lê-vi, nầy Ta đã ban mọi thuế phần mười của Y-sơ-ra-ên làm cơ nghiệp, để trả cho công khó họ làm trong Lều Hội Kiến. Vì Ta đã ban cho người Lê-vi các phần mười của dân Y-sơ-ra-ên, và tế lễ dâng lên Đức Giê-hô-va làm cơ nghiệp. Cho nên Ta đã phán về họ rằng: Họ sẽ không có cơ nghiệp giữa dân Y-sơ-ra-ên”  (Dân Số Ký 18:21,24).

Vì Đức Chúa Trời chọn chi phái Lê-vi chuyên phục vụ trong đền thờ, họ không được nhận đất đai làm sản nghiệp như các chi phái khác nên Đức Chúa Trời truyền lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên ở các chi phái khác phải dâng phần mười cho họ. Như vậy, người Lê-vi nhận lãnh một phần mười của dân Y-sơ-ra-ên.

* “Mỗi năm anh em phải để riêng một phần mười tất cả sản phẩm từ hạt giống được gieo trong đồng ruộng sinh ra. Anh em sẽ ăn một phần mười về ngũ cốc, dầu, rượu, cũng như những con đầu lòng trong bầy chiên, bầy bò của anh em trước mặt Giê-Hô-va Đức Chúa Trời anh em tại địa điểm mà Ngài sẽ chọn để danh Ngài ngự tại đó… Anh em sẽ cùng gia đình ăn uống vui vẻ trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em. Đừng quên những người Lê-vi ở trong thành anh em, vì họ không có phần cũng không chung hưởng cơ nghiệp với anh em.”   (Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:22-27)

Chúng ta ghi nhận dân Y-sơ-ra ên phải để riêng ra thêm một phần mười nữa, cứ mỗi năm họ sẽ dùng phần mười nầy để ăn uống chung vui với nhau tại đền thờ. Có thể nói một phần mười nầy được sử dụng trong các kỳ lễ do Đức Chúa Trời chỉ định.

* “Cuối mỗi ba năm, anh em phải trích trọn một phần mười sản phẩm của năm ấy và trữ lại trong thành mình. Bấy giờ những người Lê-vi vốn không có phần và cũng không chung hưởng cơ nghiệp với anh em, các ngoại kiều, kẻ mồ côi và người góa bụa ở trong thành của anh em đều có thể đến ăn uống no nê. Như vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em sẽ ban phước cho mọi công việc tay anh em làm.”  (Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:28,29)

Mỗi ba năm, dân Y-sơ-ra-ên dâng phần mười tài vật của mình cho khách ngoại bang, người mồ côi và những người góa bụa.

Như vậy, mỗi năm dân Y-sơ-ra ên dâng tổng cộng là 23,3% hoa lợi của mình (10% cho chi phái Lê-vi. 10% để “thông công” và 3.3% để giúp đở người khác)

* “Ngươi cũng phải truyền cho người Lê-vi rằng: Khi nào các ngươi đã lãnh của dân Y-sơ-ra-ên thuế một phần mười mà ta đã ban về phần dân đó đặng làm cơ nghiệp của các ngươi, thì hãy lấy một phần mười của vật thuế một phần mười, mà làm của lễ dâng giơ lên cho Đức Giê-hô-va. Thế thì, trong những thuế một phần mười mà ngươi lãnh nơi dân Y-sơ-ra-ên, thì cũng phải lấy ra một phần mười làm lễ vật dâng giơ lên cho Đức Giê-hô-va, và giao lễ vật của Đức Giê-hô-va đó cho A-rôn.”  (Dân Số Ký 18:26,28)

Riêng về người Lê-vi, sau khi nhận một phần mười của dân chúng, phải trích ra một phần mười (một phần mười của một phần mười, tương đương với một phần một trăm) để giao cho A-rôn, là thầy tế tễ Thượng Phẩm; đại diện cho tất cả các thầy tế lễ khác cùng hầu việc trong đền thờ với A-rôn.

Chúng ta có thể tóm lược quy định dâng phần mười theo luật pháp của Môi-se như sau:

–  Dân Y-sơ-ra-ên dâng một phần mười bằng ngũ cốc, trái cây và súc vật cho người Lê-vi

–  Dân Y-sơ-ra-ên cũng dâng một phần mười khác để dùng chung vui với nhau trong các dịp lễ.

–  Mỗi 3 năm, dân Y-sơ-ra-ên dâng phần mười để giúp những người ngoại kiều, người mồ côi, người góa bụa.

–  Người Lê-vi phải dâng một phần mười (từ một phần mười đã nhận của dân chúng) cho các thầy tế lễ.

Chúng ta hãy thành thật với chính mình và suy nghĩ điều nầy: Nếu Hội Thánh ngày nay dạy các tín hữu phải dâng phần mười trong tinh thần tuân giữ luật pháp Môi-se, thì chúng ta có tuân giữ đúng theo các quy định nêu trên không (nếu tuân giữ thì phải tuân giữ cho đúng)?

2.3  Cần phân biệt giữa sự dâng phần mười và sự dâng hiến tình nguyện trong thời Cựu Ước:

Trong thời Cựu Ước, có hai ý niệm về sự dâng hiến mà chúng ta nên phân biệt:

  1. Sự dâng một phần mười (tithing): Như đã dẫn giải ở trên, dâng phần mười là mệnh lệnh bắt buộc các công dân Y-sơ-ra-ên phải tuân giữ.
  2. Sự dâng hiến tình nguyện (giving, freewill offerings): Khi trong cộng đồng có nhu cầu đặc biệt cần sự đóng góp của cải của toàn dân, dân Y-sơ-ta-ên được kêu gọi đóng góp một cách tự nguyện, không có luật lệ nào hướng dẫn điều nầy. Chúng ta có thể kể các trường hợp sau:

+ Đức Chúa Trời kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên đóng góp những gì họ có để xây dựng đền tạm:

“Đây là lời Đức Giê-hô-va đã truyền dạy: Hãy lấy từ của cải mình có mà dâng cho Đức Giê-hô-va. Ai có nhiệt tâm hãy đem lễ vật dâng lên Đức Giê-hô-va như vàng, bạc, đồng, chỉ xanh, chỉ đỏ tía, vải gai mịn, lông dê…” (Xuất Ai-cập Ký 35:4,5)

Và dân chúng Y-sơ-ra-ên hưởng ứng:

“Những người được thúc giục trong lòng, và có tinh thần tự nguyện đều đã đến, đem lễ vật dâng lên cho Đức Giê-hô-va để dùng vào việc cất Đền Tạm, trang bị các vật dụng trong Đền và may các lễ phục thánh.”  (Xuất Ai-cập Ký 35:21)

+ Tương tự như trên, khi vua Đa-vít kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên dâng hiến cho việc xây Đền Thờ (I Sử Ký 29:6-9), sự kêu gọi được dân chúng đáp ứng nồng nhiệt:

“Dân chúng vui mừng về điều mình đã tự nguyện và hết lòng dâng hiến cho Đức Giê-hô-va. Vua Đa-vít cũng rất vui mừng.”  (I Sử Ký 29:9)

Chúng ta cần lưu ý vài yếu tố sau:

* Sự dâng hiến nêu trên không phải là theo điều luật dâng một phần mười, nhưng là dâng tự nguyện theo tấm lòng.

* Dân Y-sơ-ra-ên dâng hiến cách rộng rãi vì họ biết rõ sự việc xây dựng Đền Tạm hay Đền Thờ là ý muốn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời truyền dạy trực tiếp về sự xây dựng một nơi để thờ phượng Ngài.

* Trong thời Cựu Ước, Đền Tạm và Đền Thờ là chổ thờ phượng do Đức Chúa Trời chỉ định cho dân tộc Y-sơ-ra-ên. Trong thời Tân Ước, sự thờ phượng không còn bị giới hạn ở một địa điểm nào đó nữa nhưng ở mọi nơi, mọi lúc. Chúa Jesus đã tuyên bố với người phụ nữ Sa-ma-ri rằng: “Hãy tin Ta, giờ sắp đến, các ngươi không còn thờ phượng Cha trên núi nầy hay tại thành Giê-ru-sa-lem nữa. Giờ sắp đến và đã đến rồi, khi những người thờ phượng chân thật sẽ thờ phượng Cha bằng tâm linh và chân lý; ấy là những người thờ phượng mà Cha tìm kiếm. Đức Chúa Trời là thần linh, nên những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng bằng tâm linh và chân lý.”  (Giăng 4:21,23,24)

  1. Trong thời Chúa Jesus

Không có chổ nào trong bốn sách Tin Lành, là các sách thuật lại sự giảng dạy của Chúa Jesus khi Ngài ở trên đất, thuật lại việc Ngài trực tiếp truyền dạy phải dâng phần mười.  Tuy nhiên, chỉ có hai trường hợp Chúa Jesus có đề cập đến sự dâng phần mười:

Chúa Jesus quở trách người Pha-ri-si trong Ma-thi-ơ đoạn 23 (hay Lu-ca đoạn 11)

“Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là những kẻ đạo đức giả! Vì các ngươi dâng một phần mười bạc hà, hồi hương và rau cần, nhưng lại lãng quên những vấn đề trọng đại hơn của luật pháp là công lý, lòng thương xót, và đức tin. Các ngươi phải làm những điều nầy, nhưng cũng không được lãng quên các điều kia.”  (Ma-thi-ơ 23:23)

Nhiều người đã dùng câu Kinh Thánh trên để giảng dạy rằng Chúa Jesus khuyến khích chúng ta ngày nay dâng một phần mười. Có thật đúng như vậy không? Chúng ta hãy chú ý một vài điều sau:

* Chúa Jesus đang nói trực tiếp với người Pha-ri-si và các thầy thông giáo, là người Do Thái, là những người ở dưới luật pháp và vì luật pháp đã được ban cho họ, trong đó có luật về dâng phần mười. Vì họ tự khoe về việc dâng phần mười mà bỏ qua các điều luật khác nên Chúa Jesus quở trách họ, dạy họ phải tuân giữ những điều quan trọng hơn. Chúng ta dễ thấy Chúa Jesus không hề có ý dạy Cơ-đốc nhân phải dâng phần mười ở đây.

* Trong khoảng thời gian nầy, Chúa Jesus chưa chịu chết trên thập tự giá, nên vẫn còn là thời kỳ luật pháp. Bằng chứng là Chúa phán với một người bị bệnh phong hủi đã được Ngài chữa lành (Mác 1:40-45), như sau: “Hãy cẩn thận, đừng nói gì với ai, nhưng hãy đi trình diện thầy tế lễ, và dâng tế lễ về việc con đã được sạch theo điều Môi-se dạy, như một lời chứng cho họ.” (Mác 1:44). Sự kiện Chúa bảo anh ta phải dâng tế lễ theo điều luật của Môi-se (Lê-vi Ký 14:1-32) chứng minh rằng lúc đó chưa phải là thời Ân Điển.

Trong một trường hợp khác, Chúa Jesus kể dụ ngôn về người Pha-ri-si và người thâu thuế lên Đền Thờ cầu nguyện. Người Pha-ri-si khoe khoang về việc tuân giữ luật pháp, trong đó có việc dâng một phần mười:

“Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi.” (Lu-ca 18:12)

Chúa đưa ra ví dụ này để cho thấy người Pha-ri-si là người giả hình vì cậy vào việc tuân giữ luật pháp để tự cho mình là công bình, Chúa Jesus không hề có ý đề cập đến việc dâng phần mười. Nếu có ai đề cập trước, thì đó chính người pha-ri-si!

Tóm lại, trong thời gian Chúa Jesus còn ở thế giới nầy, Chúa chưa bao giờ giảng dạy những người đi theo Ngài (dân chúng, môn đồ, sứ đồ) phải dâng phần mười, ngay cả lúc Chúa có cơ hội đi nữa! (Mác 12:41-44)

  1. Trong thời Ân Điển:

Chúng ta ghi nhận một số vấn đề như sau:

* Luật Pháp như thầy giáo dẫn chúng ta đến với Chúa Jesus (Ga-la-ti 3:24), khi chúng ta tin nhận Chúa Jesus thì không còn phục dưới thầy giáo đó nữa, tức là không còn bị ở dưới quyền của luật pháp nữa. Chúng ta không còn bị ràng buộc phải tuân giữ luật pháp Môi-se. Vì “Đấng Christ đã giải phóng để chúng ta được tự do. Vậy hãy đứng vững, đừng đặt mình dưới ách nô lệ một lần nữa” (Ga-la-ti 5:1).

* Chúng ta không bị buộc tuân giữ luật pháp không phải vì chúng ta xem thường luật pháp, nhưng vì Chúa Jesus đã làm trọn cho chúng ta, Chúa Jesus đến không phải để phá bỏ luật pháp nhưng làm cho trọn (Ma-thi-ơ 5:17). Nếu Chúa Jesus đã giải thoát chúng ta ra khỏi sự ràng buộc của Luật Pháp thì tại sao chúng ta lại cứ tiếp tục đặt mình làm nô lệ cho Luật Pháp? Ngày hôm nay, Cơ-đốc nhân không thể làm vui lòng Đức Chúa Trời bằng cách tuân giữ các điều luật của Môi-se, trong đó có sự dâng phần mười.

* Luật pháp Môi-se do Đức Chúa Trời ban hành (trong đó có luật dâng phần mười) là  cho dân tộc Y-sơ-ra-ên, chứ không phải cho mọi dân tộc trên thế giới. Chúng ta đọc thấy rõ tất cả luật pháp, trong đó có sự dâng phần mười là được chỉ định cho dân Y-sơ-ra-ên: “Đó là các mệnh lệnh mà Đức Giê-hô-va bảo Môi-se truyền lại cho dân Y-sơ-ra-ên tại trên núi Si-nai.” (Lê-vi Ký 27:34)

* Trên một phương diện, bất cứ ai tin nhận Chúa Jesus đều trở nên con cháu của Áp-ra-ham (Ga-la-ti 3:7), tức là trở nên dân Y-sơ-ra-ên theo ý nghĩa thuộc linh, là Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Dân Y-sơ-ra-ên ở dưới giao ước cũ, Hội Thánh ở dưới giao ước mới; sự dâng hiến trong giao ước cũ bị ràng buộc bởi con số là một phần mười (1/10); sự dâng hiến trong giao ước mới không còn bị ràng buộc bởi con số nhưng bằng tấm lòng đã được đổi mới bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Luật của Giao Ước cũ bị giới hạn bởi một phần mười; luật của Giao Ước mới là “gieo ít thì gặt ít, gieo nhiều thì gặt nhiều”. Luật pháp Môi-se thì bắt buộc phải dâng; luật của Chúa Jesus Christ thì tự nguyện mà không bị ép buộc.

Sự dâng một phần mười là một luật quan trọng trong luật pháp Môi-se; vậy nếu Đức Chúa Trời muốn sự dâng phần mười nầy phải được tiếp tục áp dụng trong thời Ân Điển, thì chắc hẳn sẽ được Chúa Jesus trực tiếp truyền dạy, được các Sứ Đồ nhắc đến, được nêu lên trong các thư tín, và được áp dụng trong Hội Thánh đầu tiên. Thế nhưng trái lại, chúng ta ghi nhận như sau:

  1. a) Sứ Đồ Phao-lô, là trước giả của 13 thư tín, ông tự kể về ông trong Ga-la-ti 1:14: “Trong Do Thái giáo, tôi vượt xa nhiều người Do Thái cùng thời với tôi, vì tôi đã quá hăng say với các truyền thống của tổ phụ mình”, và trong Phi-líp 3:5: “Tôi được cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Y-sơ-ra-ên, bộ tộc Bên-gia-min, là người Hê-bơ-rơ; về luật pháp, tôi là một người Pha-ri-si; về lòng sốt sắng, tôi là kẻ bắt bớ Hội Thánh; về sự công chính theo luật pháp, thì tôi không chổ trách được.” Ông vốn là người rất sốt sắng tuân giữ luật pháp, thế mà trong 13 thư tín của ông, ông không một lần nói đến việc dâng một phần mười!
  2. b) Hê-bơ-rơ 7:1-10 là phân đoạn duy nhất trong các thư tín có đề cập đến sự dâng một phần mười. Tuy nhiên, phân đoạn nầy nhắc lại câu chuyện Áp-ram dâng một phần mười các chiến lợi phẩm cho Mên-chi-xê-đéc. Mục đích của phân đoạn nầy không hề có ý dạy Cơ-đốc nhân ngày nay phải dâng phần mười, nhưng dạy về sự cao trọng của Chúa Jesus, là thầy tế lễ thượng phẩm của chúng ta, khi so sánh Chúa Jesus với Mên-chi-xê-đéc là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao, là người không cha, không mẹ, không gia phả, không có ngày sinh, không có ngày qua đời.
  3. c) Hội Thánh đầu tiên trong Công Vụ Các Sứ Đồ không cho thấy có sự áp dụng luật dâng một phần mười, nhưng các tín hữu Hội Thánh đầu tiên bày tỏ tấm lòng rộng rãi, họ bán tài sản mình có để giúp đỡ cho nhau: “Tất cả tín hữu đều hiệp lại với nhau và lấy mọi vật làm của chung. Họ bán hết tài sản, của cải mình có mà phân phát cho nhau tùy theo nhu cầu của mỗi người.” (2:44,45)

Ngoài ra, Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 11 ghi lại câu chuyện các tín hữu tại thành An-ti-ốt quyên góp giúp cho anh em mình tại Giu-đê đang gặp khó khăn vì cơn đói kém: “Các môn đồ quyết định mỗi người tùy theo khả năng, gửi quà cứu trợ cho các anh em đang sống tại Giu-đê” (11:29). Chúng ta nhận thấy họ dâng hiến theo khả năng, chứ không dâng theo luật một phần mười.

  1. d) II Cô-rinh-tô 8:1-6, Phao-lô thuật lại Hội Thánh tại Ma-xê-đoan quyên góp tiền bạc để giúp Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem đang gặp thiếu thốn vì cơn đói kém trong những năm 44 hay 46 dưới thời của hoàng đế Claudius: “Vì tôi làm chứng rằng họ đã tự nguyện quyên góp theo khả năng của mình, lại còn quá khả năng nữa, và họ khẩn khoản thỉnh cầu chúng tôi làm ơn cho họ được dự phần trong sự trợ giúp các thánh đồ.” (8:3,4) Một lần nữa, sự dâng tặng dựa theo khả năng (hoặc quá khả năng ở một số người) chứ không theo quy định một phần mười.

Sứ đồ Phao-lô cũng hướng dẫn Hội Thánh Cô-rinh-tô quyên góp cho Hội Thánh Giê-ru-sa-lem với nguyên tắc giống như trên: “Vào mỗi ngày đầu tuần, mỗi người trong anh em, tùy khả năng của mình, hãy dành ra một phần; đừng đợi khi tôi đến rồi mới quyên góp.” (I Cô-rinh-tô 16:2)

  1. e) Căn cứ trên sự dạy dỗ của Tân Ước, chúng ta có thể rút ra hai nguyên tắc để áp dụng cho sự dâng hiến trong Hội Thánh ngày nay, hai nguyên tắc sau đi song hành với nhau:

1/ Dâng hiến theo tấm lòng, không có tinh thần miễn cưỡng vì bị ép buộc bởi một tác động nào đó từ bên ngoài. Phải biết rằng Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng của người dâng hiến, Chúa chấp nhận của dâng hiến cách vui lòng. “Mỗi người nên quyên góp theo lòng mình đã định, không miễn cưỡng hoặc do ép buộc, vì Đức Chúa Trời yêu mến người dâng hiến một cách vui lòng.” (II Cô- rinh-tô 9:7)

2/ Dâng hiến theo khả năng mình có: “Nếu một người sẵn lòng dâng thì của dâng sẽ được chấp nhận, dựa trên điều họ có, chứ không dựa trên điều họ không có.” (II Cô-rinh-tô 8:12)

Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, có khả năng tài chánh khác nhau, không ai hoàn toàn giống ai, nên không ai được phép ép buộc được ai, không ai được phép so sánh người nầy với người kia. Lời Chúa dạy “Hể ai gieo ít thì gặt ít; ai gieo nhiều thì gặt nhiều” (II Cô-rinh-tô 9:6) như là kết quả của sự dâng hiến từ tấm lòng và khả năng của mỗi người.

Kết luận:

Chúng ta đã thấy điều luật dâng một phần mười không còn được áp dụng trong thời Ân Điển, lý do đơn giản là vì nó là luật pháp Môi-se, được chỉ định cho dân Do Thái chứ không chỉ định cho Hội Thánh, luật dâng phần mười thuộc về giao ước cũ, điều luật đó không thích hợp với Hội Thánh của Đức Chúa Trời ngày nay, sống trong giao ước mới, là giao ước được lập bằng huyết của Chúa Jesus. Như vậy, việc giảng dạy và áp dụng sự dâng một phần mười trong Hội Thánh ngày nay là đặt Cơ-đốc nhân quay trở lại với luật pháp, đặt mình dưới ách của luật pháp, có thể đưa đến tinh thần cậy vào việc tuân giữ luật pháp Cựu Ước để làm vui lòng Đức Chúa Trời.

2023-05-04T10:05:41+00:00