Project Description
NGƯỜI NỮ TIN KÍNH
Xuất Ai Cập 2:1; 6:20; Dân Số Ký 26: 58-59
Xuất 2:1:Bấy giờ có một người thuộc dòng họ Lê-vi cưới một cô gái Lê-vi làm vợ.
Xuất 6:20: Am-ram cưới Giô-kê-bết, cô mình; bà sinh cho ông hai người con là A-rôn và Môi-se. Am-ram hưởng thọ một trăm ba mươi bảy tuổi.
Dân số 26:58-59: Đây cũng là các gia tộc Lê-vi: Gia tộc Líp-ni, gia tộc Hếp-rôn, gia tộc Mách-li, gia tộc Mu-si, gia tộc Cô-ra.
Kê-hát sinh Am-ram. Vợ của Am-ram tên là Giô-kê-bết, con gái của Lê-vi, sinh ở Ai Cập; nàng sinh cho Am-ram: A-rôn, Môi-se và chị của hai người là Mi-ri-am.
Giới Thiệu
Giô-kê-bết là một phụ nữ Do Thái. Kinh Thánh không nói nhiều về bà nhưng cũng để đủ hiểu về sự tin kính Chúa của bà. Bà là mẹ của Mi-ri-am, A-rôn, Môi-se, người đã được Đức Chúa Trời dùng để cứu dân Do Thái khỏi cảnh nô lệ tại Ai Cập và dẫn họ về Đất Hứa.
Tên
Tên của Giô-kê-bết có nghĩa là “vinh quang của Đức Giê-hô-va” hay “Đức Giê-hô-va là niềm vinh quang của tôi”. Giô-kê-bết là phụ nữ đầu tiên trong Kinh Thánh có tên gắn liền với danh hiệu “Giê-hô-va” của Chúa.
Gia Đình
Giô-kê-bết là con gái của Lê-vi, là một người thuộc dòng dõi của Lê-vi. Giô-kê-bết được sinh ra tại Ai Cập sau khi gia đình Gia-cốp di cư từ Ca-na-an đến sống tại đây.
Giô-kê-bết lập gia đình với Am-ram, một người cháu, là con của anh trai mình. Giô-kê-bết sinh cho Am-ram ba người con là Mi-ri-am, A-rôn, và Môi-se (Dân Số Ký 26:57-59).
Việc thành hôn với những thân tộc trực hệ trong gia đình là một phong tục được chấp nhận vào thời đó.
Kể theo vai họ hàng, thì Giô-kê-bết là cô chồng. Về sau, Môi-se, con trai của Giô-kê-bết, theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, đã thiết lập luật pháp. Pháp luật đời sau cấm cuộc hôn nhân như thế (Lê-vi-ký 18: 12: Đừng quan hệ tình dục với chị em của cha vì là cốt nhục của cha mình).
Một lý do khác có thể khiến Giô-kê-bết phải lập gia đình với những người trong dòng họ bởi vì những con cháu trong gia đình của Gia-cốp không muốn lập gia đình với dân Ai Cập, nơi họ đang định cư. Họ đã lập gia đình với những người trong dòng họ để giữ nguồn gốc thuần túy của mình.
Nhân Cách
Kinh Thánh không nói nhiều về Giô-kê-bết nhưng có lẽ bà là một phụ nữ xinh đẹp; bởi vì Môi-se, con trai út của bà rất xinh đẹp. Cả ba khúc Kinh Thánh Xuất Ê-díp-tô 2:2, Công Vụ 7:20, và Hê-bơ-rơ 11:23 khi nhắc đến hình ảnh của Môi-se lúc mới sinh, đều ghi nhận rằng Môi-se rất xinh đẹp và đáng yêu.
- Giô-kê-bết là một người mẹ yêu thương con và can đảm.
Mặc dầu bà đã có hai người con, một trai một gái; nhưng khi sinh đứa con thứ ba, đúng vào lúc vua Ai Cập ra lệnh giết hết các em bé sơ sinh Do Thái thuộc phái nam (Xuất 1:16-22). Vì lòng thương con, Giô-kê-bết đã bất chấp lệnh vua, đem giấu đứa con mới sinh của mình trong suốt ba tháng. Đây là một việc làm vô cùng nguy hiểm, bởi vì việc trái lệnh vua có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho cả gia đình, chứ không phải chỉ mỗi một mình đứa bé.
- Giô-kê-bết là một phụ nữ khéo léo và khôn ngoan.
Sau ba tháng, khi biết không thể giấu con trong nhà lâu hơn nữa, và bởi vì lệnh vua truyền phải ném đứa trẻ xuống sông (Xuất 1:22), Giô-kê-bết đã đem bỏ con dưới sông nhưng không ném đứa trẻ xuống sông, mà đặt đứa bé vào trong một chiếc rương mây, giấu trong bụi sậy bên bờ sông (Xuất 2:3). Bà đã khéo léo tận dụng lỗ hổng của luật pháp, không nói rõ phải ném trẻ con xuống sông như thế nào, để cứu con mình.
- Giô-kê-bết là một phụ nữ sáng tạo.
Vì thương con, bà đã chế ra một chiếc rương mây đủ an toàn để bảo vệ đứa trẻ khỏi bị chìm trên sóng nước, khỏi bị nắng gay gắt của mặt trời chiếu rọi, đứa trẻ khỏi bị chết ngộp vì thiếu không khí, và được bảo vệ khỏi nanh vuốt của những cá sấu hung dữ bên bờ sông Nile.
- Giô-kê-bết là một phụ nữ biết hoạch định và suy tính.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà chiếc rương mây đã được đặt tại bụi lau sậy nơi có công chúa Ai Cập thường đến tắm. Đức Chúa Trời là Đấng Tể Trị Ngài đã điều khiển cái rương mây và dòng nước đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm để công chúa bắt gặp đứa trẻ. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Mi-ri-am, con gái đầu lòng của bà đã đứng gần đó để canh chừng em trai mình. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Mi-ri-am đã đề nghị với công chúa nên tìm một vú nuôi người Do Thái để nuôi đứa bé, rồi sau đó đã về nhà gọi ngay mẹ mình. Và có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên mà công chúa Ai Cập sau khi gặp Giô-kê-bết đã đồng ý chọn bà là vú nuôi cho đứa con nuôi của mình thay vì chọn một phụ nữ nào khác.
Sống giữa một hoàn cảnh thật khó khăn, Giô-kê-bết đã hoạch định rồi thực hiện kế hoạch cứu con mình, dùng tài nguyên của hoàng cung Ai Cập để nuôi dưỡng con mình một cách thật chu đáo.
- Giô-kê-bết người phụ nữ biết nuôi dạy con.
Việc giao trách nhiệm cho Mi-ri-am trông chừng em mình, và cách Mi-ri-am đối thoại với công chúa Ai Cập, chứng tỏ Mi-ri-am đã được mẹ là Giô-kê-bết dạy dỗ kỹ càng. Giô-kê-bết người phụ nữ biết nuôi dạy con.
Sau gần 40 năm sống tại hoàng cung Ai Cập, Môi-se vẫn ghi nhớ nguồn gốc mình là một người Do Thái. Ông cảm thương trước bất công mà đồng bào mình phải gánh chịu, ông đã ra tay cứu giúp đồng bào của mình (Xuất Ê-díp-tô 2:11-15).
Môi-se chấp nhận lìa bỏ cuộc sống vương giả để đứng chung với đồng bào của mình (Hê-bơ-rơ 11:24-27) và sau đó Chúa dùng ông để giải cứu họ.
Di Sản
Kinh Thánh không ghi lại nhiều chi tiết về cuộc đời của Giô-kê-bết, nhưng vì lòng yêu thương con và qua hành động can đảm bất tuân lệnh vua để cứu con của bà, tác giả sách Hê-bơ-rơ trong Tân Ước đã ghi nhận Giô-kê-bết là một trong những anh hùng đức tin (Hê-bơ-rơ 11:23).
Giô-kê-bết chỉ sinh ba người con. Cả ba người con của bà đều trở thành những vĩ nhân trong lịch sử Do Thái. Mi-ri-am, cô con gái đầu lòng của Giô-kê-bết, là một nhà thơ, một nhạc sĩ, và là nữ tiên tri đầu tiên khi nước Do Thái được thành lập. A-rôn, người con trai giữa của bà, là một người có tài ăn nói lưu loát, đã trở thành thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên của quốc gia Do Thái. Đức Chúa Trời đã chọn A-rôn và thành lập một dòng dõi thầy tế lễ mang tên của ông.
Môi-se, đứa con trai út của Giô-kê-bết, không phải chỉ là người sáng lập quốc gia, một lãnh tụ xuất sắc của dân Do Thái, nhưng cũng được ghi nhận là người đặt nền móng căn bản cho những luật lệ của Chúa và luật pháp hệ thống tư pháp của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.
KẾT LUẬN
Do luật pháp Ai Cập bắt buộc, Giô-kê-bết có lý do chính đáng để từ bỏ con mình; tuy nhiên bà đã không bỏ con nhưng chấp nhận nguy hiểm quyết định giữ con và nuôi con. Đứa con mà bà quyết tâm cứu sống đó, về sau đã trở thành một vĩ nhân của thế giới. Hơn thế nữa, bất kể những khó khăn chất chồng của kiếp nô lệ – là giai cấp thấp nhất trong xã hội thời đó – Giô-kê-bết đã dạy cho các con của mình đức tin nơi Chúa. Đức tin đó giúp họ vươn lên, không chỉ cứu chính mình hay gia đình mình, nhưng cứu cả dân tộc của mình.
Giô-kê-bết là một bà mẹ tin kính. Đức tin nơi Chúa đã giúp bà vượt qua những luật lệ bất công; đức tin nơi Chúa đã giúp bà vượt qua những khó khăn của cuộc sống; đức tin nơi Chúa đã giúp bà giáo dục những đứa con của mình trở thành những vĩ nhân; và đức tin nơi Chúa khiến bà được ghi nhận là một trong những anh hùng đức tin trong Kinh Thánh.
BÀI HỌC
1/ Phụ nữ Cơ Đốc là những người tin kính Chúa. Đặt lời Chúa lên hàng đầu, có đức tin trông cậy Chúa, có sự sáng tạo, có sự khôn ngoan thật từ nơi Chúa, có đời sống cầu nguyện, cầu thay cho con cái, gia đình của mình.
2/ Phụ nữ Cơ Đốc không lấy người ngoại đạo để sinh ra những đứa con được phước và một dòng dõi thánh cho Chúa.
3/ Phụ nữ Cơ Đốc tin kính Chúa làm tấm gương sáng cho con cái noi theo; chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng cho con cái, gia đình để những đứa con được Chúa sử dụng vào những việc lớn lao cho Chúa