Project Description
CẤU TRÚC TỔ CHỨC HỘI THÁNH
Thể chế hội chúng quản trị (Congregational)
Theo hình thức tổ chức này, mỗi hội thánh địa phương là một tổ chức độc lập và tự trị. Không có một quyền lực nào ngoài hội thánh buộc hội thánh đó hành động. Mỗi hội viên trong hội thánh đều có tiếng nói trong các hoạt động của hội thánh. Hội thánh có quyền gia nhập các hiệp hội hay giáo phái nhưng vẫn giữ tính cách tự trị và độc lập của mình. Đức Chúa Trời chọn, kêu gọi giám mục, trưởng lão hay mục sư và chấp sự còn Hội Thánh đồng thuận cho mình.
Hội Thánh địa phương là những người xưng nhận đức tin vào Chúa Cứu Thế Giê-su được gọi là thành viên của Hội Thánh, báp-têm nước không cần thiết cho sự cứu rỗi, nhưng báp-têm nước cần thiết cho việc trở nên thành viên của Hội Thánh, các thành viên đều có giá trị ngang nhau trong Hội Thánh và sự quản trị thuộc về cả Hội Chúng tất cả đều là thầy tế lễ (1 Phiero 2:9). Mục sư là người lãnh đạo, chăn bầy, giám sát, quản gia trong Hội Thánh.
Như vậy tất cả các Hội Thánh trong Giáo Hội Hội Chúng quản trị đều có giá trị ngang nhau về mặt thuộc linh, đồng đẳng với nhau về sự phát ngôn và thẩm quyền của Chúa. Đây là thể chế hàng ngang.
Giáo Hội theo thể chế Hội Chúng quản trị là một Giáo Hội liên kết những Hội Thánh tự trị địa phương nhỏ hoặc lớn, theo nhiều kiểu mẫu khác nhau, đa dạng về màu da, chủng tộc và văn hóa mỗi Hội Thánh khác nhau, có sự hợp tác, liên kết với nhau đồng thuận theo Kinh Thánh, Hiến Chương, điều lệ, nội quy để thực thi Đại Mạng Lệnh của Chúa qua sự thông công, chia sẻ các nguồn lực giúp nhau thực thi hoàn tất các mục vụ thờ phượng, thông công, truyền giáo, huấn luyện, phục vụ, mở mang Hội Thánh.
TỔ CHỨC CÓ HỆ THỐNG
Có một người lãnh đạo tổng quát, nhưng trách nhiệm lãnh đạo được giao phó cho một số người. Trách nhiệm và quyền hành được chuyển xuống càng thấp càng tốt. Cách này khích lệ mọi người gánh vác trách nhiệm, có sáng kiến, chia sẻ gánh nặng.
Trong Giáo Hội hội chúng tất cả các thành viên cùng nhau hợp tác có sự đóng góp chung từ các Hội Thánh địa phương để phát triển công việc Chúa, sự cam kết, đồng thuận với nhau về chương trình hợp tác là truyền giảng, dạy dỗ, huấn luyện, làm công tác xã hội. Helen Keller nhận xét: “Đứng một mình chúng ta làm rất ít việc; đứng chung với nhau chúng ta có thể làm rất nhiều việc.” Truyền đạo 4:9: “Hai người hơn một vì họ sẽ được công giá tốt về công việc mình.” Sức mạnh của sự hợp tác cần được củng cố bằng sự cởi mở, chân thành, đồng lo tưởng đến nhau, kẻ mạnh lo cho kẻ yếu, xây dựng ưu tiên cho công việc chung của Giáo Hội để kiện toàn sứ mạng Chúa giao phó trong Math 28:19-20 cho mỗi con dân Chúa.
LÃNH ĐẠO DÂN CHỦ
Lãnh đạo dân chủ thể chế hội chúng quản trị là trong đó các thành viên của hội chúng tham gia, chia sẻ, ý tưởng, thảo luận, đồng thuận với nhau, tôn trọng cả những ý kiến trái chiều, nhưng vai trò của người lãnh đạo tập hợp mọi ý kiến của các thành viên lại để đưa ra ý kiến đồng thuận, người lãnh đạo vẫn phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra hướng dẫn, giải thích theo Kinh Thánh, Hiến Chương, điều lệ, nội quy, văn bản của tổ chức; là người đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên Kinh Thánh và sự đồng thuận cao của các thành viên biểu quyết.
TRIẾT LÝ-KIỂU MẪU LÃNH ĐẠO THEO CHÚA GIÊ-SU
Lãnh đạo tôi tớ (lãnh đạo phục vụ)
⁴³ Nhưng giữa các con thì không phải vậy. Trái lại, ai muốn làm lớn trong các con thì phải làm đầy tớ, ⁴⁴ còn ai muốn đứng đầu trong các con thì phải làm nô lệ cho mọi người. ⁴⁵ Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mác 10:43-45; Math 20:26-28; Math 23:11; Lu-ca 22:24, 27)
“Chúa Giêsu biết rằng đã đến lúc Người phải rời khỏi thế gian này và trở về với Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, Người thương họ đến cùng… Chúa Giêsu đứng dậy khỏi bàn và… lấy một chiếc khăn lớn quấn quanh lưng và chuẩn bị rửa chân cho các môn đồ của Người. Người đổ nước vào một cái chậu và rửa chân cho mỗi người rồi lấy khăn thắt lưng mà lau” (Giăng 13: 1, 4-5). Sau khi Người rửa chân cho họ xong, Chúa Giêsu ngồi xuống bàn với họ và giải thích những gì Người đã làm: “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Giăng 13: 12-15).
Lãnh đạo Gương Mẫu (Example)
¹⁵ Vì Ta đã làm gương cho các con, để các con cũng làm như Ta đã làm cho các con (Giăng 13:15).
¹ Đức Chúa Jêsus phán với các môn đồ: “Không thể không có những điều gây vấp phạm, nhưng khốn thay cho người nào gây ra điều ấy! ² Thà buộc cối đá vào cổ người ấy mà ném xuống biển còn hơn là để người ấy gây cho một trong những đứa bé nầy phạm tội (Lu-ca 17:1-2).
¹ Hãy noi gương tôi, như chính tôi noi gương Đấng Christ vậy. (1 Cor 11:1)
² Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em, không vì ép buộc nhưng do tự nguyện, không vì lợi lộc thấp hèn mà với cả nhiệt tâm, ³ không dùng quyền uy cai trị những người được giao cho mình, nhưng làm gương tốt cho cả bầy. (1Phi 5:2-3)
Trong mọi việc, chính con phải gương mẫu qua các việc lành và tỏ ra trung thực, nghiêm trang khi dạy dỗ (Tít 2:7).
Lãnh đạo đồng đội (Đội ngũ)
¹² Vào những ngày đó, Chúa Giê-xu lên núi để cầu nguyện, và Ngài cầu nguyện thâu đêm với Thiên Chúa. ¹³ Đến sáng, Ngài gọi các môn đồ đến và chọn mười hai người trong họ, mà Ngài cũng gọi là sứ đồ (Lu-ca 6:12-13).
¹ Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi môn đồ khác và sai từng đôi một đi trước Ngài vào tất cả các thành và các nơi mà chính Ngài sẽ đi. (Lu-ca 10:1)
¹⁵ Trong những ngày ấy, Phi-e-rơ đứng dậy giữa các anh em (số người nhóm lại nơi đó khoảng một trăm hai mươi người) mà nói rằng. (Công vụ 1:15)
Sau đó, cùng một lúc, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em; phần lớn trong số nầy hiện vẫn còn sống, nhưng có vài người đã ngủ rồi. (1 Cor 15:6)
Lãnh đạo Giảng Dạy (Teaching)
“dạy dân chúng bất cứ khi nào Người có cơ hội, dù trong hội đường hay trên đường phố, và tất cả những ai nghe Người đều khen ngợi những gì Ngài đã nói (Lu-ca 4: 15).
²² Mọi người đều kinh ngạc về sự dạy dỗ của Ngài, vì Ngài dạy một cách có thẩm quyền, chứ không như các thầy thông giáo. (Mc 1: 22, Mt 7: 28–29).